Chủ tịch Phúc Sơn khắc phục hậu quả thêm hơn 700 tỷ đồng trước ngày toà tuyên án sơ thẩm
Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch tập đoàn Phúc Sơn đã lợi dụng mối quan hệ cá nhân và công việc để đưa hơn 132 tỷ đồng cho một số lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và các sở, ngành tại tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi.
Thông qua việc hối lộ hoặc nhờ cậy các lãnh đạo, Tập đoàn Phúc Sơn đã trúng nhiều gói thầu tại Vĩnh Phúc , Phú Thọ và Quảng Ngãi. Sau đó, bị cáo Hậu chỉ đạo chuyển nhượng thầu trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 459 tỷ đồng. Viện kiểm sát xác định hành vi này đã cấu thành tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Các bị cáo trong phiên toà.
Ngoài ra, Nguyễn Văn Hậu còn chỉ đạo cấp dưới sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán, gây thất thoát 504 tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước. Hành vi này bị xác định đã phạm vào tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Như vậy, tổng thiệt hại do các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu và kế toán do ông Hậu thực hiện lên tới 963 tỷ đồng. Cộng thêm 204 tỷ đồng thất thoát khi xác định lại giá đất, bị cáo bị cáo buộc gây thiệt hại tổng cộng hơn 1.168 tỷ đồng cho Nhà nước.
Trong quá trình điều tra và truy tố, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn đã tự nguyện nộp hơn 84 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 500 lượng vàng SJC, phong tỏa 24 tài khoản ngân hàng với tổng số dư hơn 247 tỷ đồng và kê biên hơn 1.000 bất động sản liên quan đến bị cáo.
Theo dự kiến, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Hậu sẽ tuyên án vào ngày mai 4/7. Trong sáng ngày 3/7, đại diện Tập đoàn Phúc Sơn đã lập uỷ nhiệm chi với nội dung với: "Khắc phục hậu quả thay cho ông Nguyễn Văn Hậu" chuyển 768 tỷ đồng vào Cơ quan Thi hành án dân sự TP Hà Nội.

Luật sư Bùi Đình Ứng người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hậu.
Theo Luật sư Bùi Đình Ứng người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hậu, tính tổng số tiền đã bị phong tỏa, cộng với khoản nộp ở giai đoạn trước xét xử và 768 tỷ đồng vừa nộp bổ sung, toàn bộ hậu quả trong vụ án đã được khắc phục.
Cũng theo luật sư Ứng, ông Hậu có nguyện vọng xin Tòa án xem xét giải tỏa các tài sản đang bị kê biên, phong tỏa và tuyên trả lại toàn bộ số vàng, ngoại tệ đã bị thu giữ.
Trong các ngày làm việc trước đó, cả bị cáo Nguyễn Văn Hậu và đại diện Tập đoàn Phúc Sơn đều đề nghị Hội đồng xét xử tạo điều kiện để bán đất hoặc để "đối tác" nộp tiền thay nhằm khắc phục hậu quả vụ án.

Bị cáo Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn.
Giọt nước mắt muộn màng trong phiên tòa xét xử vụ Tập đoàn Phúc Sơn
Trước đó, vào cuối giờ chiều 28/6, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn cùng hàng chục bị cáo liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và một số địa phương khác đã khép lại phần tranh luận. 40 bị cáo lần lượt được nói lời sau cùng trước khi HĐXX bước vào phần nghị án.
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn cho biết, bị cáo Hậu không có ý kiến gì thêm và "đồng tình, đồng thuận, nhất trí" với mức án Viện kiểm sát đề nghị. Bị cáo thừa nhận sai phạm, cho rằng "sự thật chỉ có một, tội đã rõ, hành vi đã rõ" và "không muốn nhắc đến thêm nhiều".
Bị cáo Hậu chia sẻ thêm: "Khi nghe Viện kiểm sát đề nghị mức án 30 năm tù cho ba tội danh, ban đầu tôi cũng hơi choáng".
Theo bị cáo Hậu, có người từng khuyên nên tạm dừng việc khắc phục hậu quả để chờ phiên phúc thẩm. Tuy nhiên, sau khi lắng nghe hơn 40 luật sư trình bày hoàn cảnh, nói lời thống thiết trước Hội đồng xét xử, bị cáo cho biết đã nhận thức rõ trách nhiệm của người đứng đầu vụ án.
"Tôi gửi lời xin lỗi đến 40 bị cáo và người thân của họ. Tôi cảm ơn các luật sư đã bào chữa cho 40 người ở đây", bị cáo Hậu nói trong nước mắt.
Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn cho biết, trước tòa, bản thân đã phải trả giá vì những hành vi của mình. Với trách nhiệm của người đứng đầu, bị cáo đã chủ động tác động các đối tác, khách hàng để chuẩn bị đủ 770 tỷ đồng nộp thẳng vào tài khoản thi hành án nhằm khắc phục hậu quả vụ án.
Bị cáo cũng xúc động nhắc lại lời dạy của người cha quá cố: "Khi tôi quyết định đi buôn, bố tôi tặng bốn chữ: Hiếu, Nghĩa, Nhân, Đức, và dặn rằng: 'khi con chào đời, chỉ mình con khóc còn mọi người cười; hãy sống sao để khi con rời đời, chỉ mình con cười và mọi người đều khóc'. Từ lời dạy đó, tôi đã luôn cố gắng làm việc, phấn đấu. Nhưng trên đời không ai tránh khỏi sai lầm, và tôi đã phải trả giá bằng hơn một năm trong bốn bức tường giam giữ".
Bị cáo Hậu kể, khi bị khám xét, điều tra viên từng hỏi tại sao giấy tờ cho thấy từng mua gần 10.000 cây vàng, nhưng thực tế chỉ còn khoảng hơn 500 cây. Bị cáo giải thích: "Sổ sách vẫn còn, nhưng tôi nghĩ chết cũng không mang theo được gì, nên đã dùng số vàng đó để làm nhà cho người nghèo".
Ngoài ra, bị cáo cho rằng khi tính toán thiệt hại, lẽ ra cần được trừ phần tiền thuế đã nộp. Do đó, nếu Hội đồng xét xử chấp nhận giảm trừ phần thuế này, bị cáo xin được ủng hộ toàn bộ vào Quỹ người nghèo để làm đường tại các tỉnh vùng cao.
Kết thúc phần trình bày, ông Nguyễn Văn Hậu một lần nữa tha thiết đề nghị Tòa cho phép khắc phục toàn bộ hậu quả để được xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác trong vụ án.

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc .
Lời xin tha thứ của cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
Trong phần nói lời sau cùng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhiều lần nghẹn ngào, vừa nói vừa khóc. Bị cáo cho biết bản thân đã nhận thức rõ vi phạm pháp luật, những sai lầm, hậu quả và trách nhiệm cá nhân trước pháp luật. Để "vơi bớt nỗi lòng ân hận giày vò", bị cáo đã vận động gia đình nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận.
Bị cáo Lan bày tỏ sự day dứt khi những sai phạm của mình đã ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, cơ quan nơi công tác, gia đình và làm mất đi niềm tin của Nhân dân. Trong nước mắt, bị cáo gửi lời xin lỗi Tổng Bí thư, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và "xin được sự tha thứ".
Bị cáo cho biết bản thân và các bị cáo tại Vĩnh Phúc đã từng nỗ lực phấn đấu, góp phần đưa địa phương từ tỉnh nghèo trở thành tỉnh giàu có. Bị cáo tha thiết mong Hội đồng xét xử xem xét, cho các bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng.
Trình bày về hoàn cảnh cá nhân, bà Lan nhiều lần nghẹn lời. Bị cáo kể mình mồ côi cha từ năm 6 tuổi, mẹ tần tảo nuôi bốn chị em khôn lớn. Kể từ khi bị bắt, bị cáo chưa được gặp mẹ lần nào. Con bị cáo bị khuyết tật bẩm sinh về mắt, khiến bị cáo càng thấm thía hơn về tình mẫu tử, sự vô thường của đời người.
Bị cáo tha thiết xin Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát và các cơ quan liên quan xem xét giảm nhẹ hình phạt, để sớm có cơ hội trở về chăm sóc mẹ già, con nhỏ", bà Lan nói trong nước mắt.
Ngoài ra, bị cáo Lan còn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, với lý do đây là một doanh nghiệp từng có nhiều đóng góp tích cực cho công tác xã hội, từ thiện ở địa phương.
Kết thúc phần trình bày, bà Lan nghẹn ngào nói: "Từ trái tim yêu thương, bị cáo xin lỗi người dân Vĩnh Phúc . Mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với người dân, và mong có được sự tha thứ, cảm thông, chia sẻ… để những tháng năm tù đày bớt đi dày vò, thị phi và đau khổ."